28/2/18

KINH TẾ VIỆT NAM: NHÌN LẠI NĂM 2017 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2018

Năm 2017 khép lại, cùng với xu thế chung của kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam tiếp tục ổn định về mặt vĩ mô. Trong đó, tăng trưởng GDP đạt 6,81%, chủ yếu đến từ sự đóng góp của xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Lạm phát được kiềm chế ở mức thấp dưới 4%, đến từ sự chủ động trong chính sách điều hành, kiểm soát chặt chẽ giá cả… Mặc dù đạt được kết quả tích cực nhưng việc duy trì được đà tăng trưởng cũng như ổn định vĩ mô trong năm 2018 vẫn là một thách thức lớn khi nhiều vấn đề nội tại của nền kinh tế đang đòi hỏi cần tiếp tục được giải quyết triệt để.
Kinh tế thế giới tăng trưởng ổn định
Mặc dù được dự báo ẩn chứa nhiều yếu tố bất định sau những diễn biến về chính trị trong năm 2016 nhưng kinh tế thế giới năm 2017 cho thấy xu thế tăng trưởng ổn định hơn ở hầu hết các nền kinh tế. Cụ thể, tại Mỹ, tăng trưởng kinh tế liên tục được cải thiện với mức tăng trong quý II và quý III/2017 đều vượt 3% mức tăng trưởng cao nhất trong 3 năm qua, trái với những dự báo về tác động của hai siêu bão Harvey và Irma gây ra với nền kinh tế Mỹ.
Tăng trưởng kinh tế Mỹ chủ yếu đến từ gia tăng tiêu dùng, đầu tư của các doanh nghiệp (DN), chi tiêu của Chính phủ Liên bang và xuất khẩu. Những dấu hiệu tích cực của nền kinh tế đã tạo điều kiện cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục điều chỉnh tăng lãi suất, đồng thời nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong năm 2018.
Tại Liên minh châu Âu (EU), kinh tế tiếp tục cho thấy những dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ, chứng kiến chuỗi tăng trưởng dương trong 4 năm liên tiếp kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Sự phục hồi này dẫn đến Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định cắt giảm chương trình mua trái phiếu chính phủ các quốc gia trong khu vực Eurozone. Trái lại, tăng trưởng kinh tế Anh liên tục suy giảm và phải trả lại vị trí thứ 5 trong số các nền kinh tế phát triển cho Pháp. Nguyên nhân của sự suy giảm này là do lạm phát gia tăng và lo ngại về tác động của tiến trình Brexit cũng như thất bại của Thủ tướng Anh Theresa May tại cuộc bầu cử sớm.
Tại châu Á, xu hướng tăng trưởng ổn định được duy trì ở Nhật Bản, với mức tăng trưởng dương trong 7 quý liên tiếp, đồng thời là chuỗi tăng trưởng dài nhất trong hơn một thập kỷ trở lại đây. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) vẫn nỗ lực thực hiện các chính sách nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ nhằm đạt mục tiêu lạm phát 2% vào năm 2019. Sự thiếu hụt nguồn cung lao động là một vấn đề nghiêm trọng của nền kinh tế Nhật Bản, khi số người trong độ tuổi lao động ngày càng giảm trong khi nhu cầu lao động ngày một gia tăng.
Kinh tế Trung Quốc tiếp tục duy trì mức tăng trưởng mạnh mẽ trong nhiều quý liên tiếp. Mặc dù vậy, những rủi ro về nợ của nền kinh tế nước này ngày một gia tăng khi tín dụng liên tục tăng cao trong một thời gian dài. Hai tổ chức đánh giá tín nhiệm S&P và Moody’s đã nhiều lần lượt hạ điểm tín nhiệm rủi ro tiềm ẩn về kinh tế tài chính của quốc gia này.
Hình 1: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam theo ngành, 2015-2017 (%)

                   Nguồn: Tổng cục Thống kê (2015, 2016, 2017)
Những quốc gia trong nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) cho thấy, sự khác biệt trong xu hướng tăng trưởng. Trong khi kinh tế Nga và Brazil thể hiện sự phục hồi rõ nét thì Ấn Độ lại liên tục suy giảm, đạt mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng vài năm trở lại đây từ quý II/2017. Bên cạnh đó, các nền kinh tế trong khu vực ASEAN vẫn tiếp tục khởi sắc, nhờ vào sự tăng trưởng mạnh của cả tiêu dùng nội địa và quốc tế lẫn đầu tư. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế của các nước ASEAN-5 sẽ vẫn duy trì mức trên 5% trong cả hai năm 2017 và 2018.
Thị trường hàng hóa thế giới cho thấy, sự phục hồi về giá các mặt hàng năng lượng và sự ổn định của giá lương thực thế giới vào những tháng cuối năm 2017. Thị trường chứng khoán thế giới không ngừng tăng tốc và liên tiếp thiết lập các kỷ lục mới. Giá của các loại tiền ảo cũng gia tăng mạnh trong suốt cả năm qua, gây ra lo ngại về “bong bóng” tài chính có thể xảy ra. Trong khi đó, đồng USD có một năm đáng quên khi giảm giá đến 7% (mức giảm mạnh nhất trong một thập kỷ vừa qua). Giá vàng có xu hướng biến động ngược chiều với giá USD nhưng không biến động nhiều và chỉ bắt đầu tăng trở lại sau quyết định tăng lãi suất của Fed.
Kinh tế trong nước phục hồi ấn tượng
So với năm 2016 tăng trưởng không như kỳ vọng, năm 2017, kinh tế Việt Nam cho thấy một dấu hiệu khởi sắc hơn với mức tăng trưởng cả năm 2017 đạt 6,81%, vượt chỉ tiêu do Quốc hội đề ra. Trong đó, tăng trưởng quý III và quý IV/2017 đạt mức cao “ấn tượng” lần lượt là 7,46% và 7,65% cao nhất trong vòng 7 năm và cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước đó.
Khu vực nông, lâm, ngư nghiệp cho thấy, sự phục hồi rõ rệt nhất khi tăng trưởng cả năm đạt 2,90% (cao hơn đáng kể so với mức tăng của hai năm trước đó). Trong khu vực này, ngành thủy sản và lâm nghiệp đạt mức tăng lần lượt là 5,54% và 5,14%. Trong khi đó, tình trạng mưa lũ trên diện rộng khiến nông nghiệp chỉ tăng trưởng ở mức khiêm tốn 2,07%.
Khu vực dịch vụ cũng đóng góp lớn vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế, tiếp tục đà tăng trưởng từ năm 2015, với mức tăng 7,44% cả năm 2017. Trong đó, lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và kinh doanh bất động sản năm 2017 đạt mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua, lần lượt đạt 8,14% và 4,07%.
Công nghiệp chế biến chế tạo như mọi năm vẫn luôn là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với mức tăng trưởng lên đến 14,40% trong năm 2017. Trong khi đó, toàn khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục cho thấy, mức tăng trưởng thấp hơn so với hai năm trước, chỉ đạt 8%, chủ yếu đến từ sự suy giảm ngành khai khoáng. Tuy nhiên, trong năm 2017, sự suy giảm này không làm chậm tốc độ tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.
Các chỉ báo sản xuất công nghiệp cũng liên tục cải thiện rõ rệt trong cả năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp và tiêu thụ đều đã vượt xa mức trung bình của năm 2016 cho thấy, mức sụt giảm hồi đầu năm chỉ mang tính chất tạm thời. Tính đến hết tháng 12/2017, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 9,4%, cao nhất trong hai năm trở lại đây. Tương tự, chỉ số tiêu thụ cũng đạt mức tăng trưởng 13,6% tính tới hết tháng 11/2017, trong khi đó, chỉ số tồn kho giảm nhẹ xuống còn 8% vào đầu tháng 12/2017.
Hình 2: Tình hình hoạt động DN (Nghìn DN, Nghìn người)

                                      Nguồn: Tổng cục Thống kê (2015, 2016, 2017) 
Hoạt động của khu vực DN, đặc biệt trong khu vực chế biến chế tạo, tiếp tục khởi sắc trong năm 2017. Chỉ số PMI ghi nhận chuỗi 25 tháng mở rộng liên tiếp của khu vực sản xuất. Đặc biệt, chỉ số này đạt mức kỷ lục 54,6 điểm vào tháng 3/2017. Sự gia tăng của chỉ số PMI cho thấy, sự cải thiện về các điều kiện hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam.
Tình hình đăng ký DN trong năm 2017 có sự cải thiện rõ rệt so với năm trước, khi số DN đăng ký hoạt động mới nhiều hơn và số DN tạm ngừng hoạt động cũng thấp hơn. Tính đến hết tháng 12/2017, số lượng DN thành lập mới tăng 15,2% so với năm 2016. Số vốn đăng ký trung bình trên một DN cũng tăng đáng kể ở mức 26,2% và đạt 10,2 tỷ đồng/DN.
So với cùng kỳ năm 2016, tại thời điểm 01/12/2017, số lao động làm việc trong các DN công nghiệp năm 2017 tăng 5,1%, trong đó lao động trong khu vực DNNN được tinh giản 0,7% và lao động trong các DN ngoài nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài lần lượt tăng 3,9% và 6,9%. Ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tiếp tục cắt giảm lần lượt 1,1% và 1% lao động.
Lạm phát được kiểm soát chặt chẽ
Lạm phát toàn phần trong cả năm 2017 nhìn chung suy giảm mạnh mẽ, mặc dù có sự gia tăng trong hai tháng 8 và 9 do yếu tố mùa vụ. Điều này trái ngược hoàn toàn với xu thế gia tăng liên tục trong năm 2016.
Tại thời điểm tháng 12/2017, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 2,60% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, lạm phát lõi được duy trì ở mức ổn định khoảng 1,3% từ tháng 5, giúp cho khoảng cách giữa lạm phát toàn phần và lạm phát lõi ngày càng được thu hẹp.
Nguyên nhân chính khiến lạm phát năm 2017 ở mức thấp đến từ việc giá cả được kiềm chế chặt chẽ và chủ yếu chỉ tăng ở các dịch vụ thiết yếu như giáo dục và y tế. Cụ thể, nhiều tỉnh, thành phố đã thực hiện điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế cho đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế, đưa mức giá của nhóm hàng này tăng 27,79% so với năm 2016. Cùng với đó, giá dịch vụ giáo dục vẫn theo đúng chu kỳ tăng mạnh vào hai tháng 8 và 9/2017, khiến chỉ số giá của nhóm này tăng 7,29%. Mặc dù, liên tục tăng sau các đợt điều chỉnh giá xăng dầu nhưng chỉ số giá của nhóm hàng giao thông tháng 12/2017 cũng chỉ tăng 6,04% so với cùng kỳ năm trước.
Thâm hụt ngân sách giảm
Trong nhiều năm qua, bên cạnh những điểm sáng về tăng trưởng kinh tế và lạm phát, nền kinh tế vẫn tồn tại một số hạn chế lớn có thể gây tác động tiêu cực đến ổn định kinh tế vĩ mô. Một trong số đó đến từ việc ngân sách nhà nước (NSNN) tiếp tục bội chi trong nhiều năm. Tuy nhiên, năm 2017, Bộ Tài chính đã hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN. Cụ thể:
Tính đến hết ngày 31/12/2017, thu cân đối NSNN ước đạt 1.283,2 nghìn tỷ đồng, vượt 71 nghìn tỷ đồng, vượt 5,9% so dự toán, tăng 43,7 nghìn tỷ đồng so báo cáo Quốc hội đạt mức động viên 25,6% so GDP; trong đó, thuế phí đạt 21% GDP.
Về chi NSNN, tính đến ngày 31/12/2017, các nhiệm vụ chi thường xuyên đã cơ bản thực hiện xong theo dự toán, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách; chi đầu tư phát triển từ nguồn NSNN đạt khoảng 75,9% dự toán, vốn trái phiếu chính phủ đạt khoảng 23,5% dự toán (năm 2016 tương ứng đạt 77% và 45,3% dự toán).
Bội chi NSNN năm 2017 được điều hành trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định (174,3 nghìn tỷ đồng, bằng 3,48% GDP thực hiện). Trên cơ sở kết quả thu và cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai và sử dụng nguồn lực tại chỗ theo quy định, cân đối ngân sách trung ương và các địa phương cơ bản được đảm bảo.
Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh
Hoạt động thương mại trong năm 2017 cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ cả về xuất khẩu và nhập khẩu. Đặc biệt sau ba quý thâm hụt thương mại, quý IV/2017 đã ghi nhận mức xuất siêu 3,17 tỷ USD, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Tính đến hết tháng 12/2017, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu cả nước ước đạt 213,77 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu vẫn chủ yếu đến từ nhóm DN có vốn đầu tư nước ngoài. Xuất khẩu khu vực này đạt 155,24 tỷ USD, chiếm 72,6% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 23% so với cùng kỳ năm 2016. Xuất khẩu khu vực trong nước cũng có sự cải thiện vượt bậc khi tăng đến 16,2%. 
Kim ngạch nhập khẩu cũng đạt mức tăng trưởng 20,8% so với cùng kỳ năm trước và đạt 211,1 tỷ USD. Hiện nay, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch đạt 58,5 tỷ USD, tiếp đến là Hàn Quốc với kim ngạch đạt 46,8 tỷ USD. Điều này tiếp tục cho thấy, lượng vốn FDI đến từ Hàn Quốc ngày một lớn hơn vì các DN FDI của nước này chủ yếu nhập khẩu tư liệu sản xuất từ chính quốc. Sự dịch chuyển đối tác nhập siêu từ Trung Quốc sang Hàn Quốc, một quốc gia có trình độ công nghệ cao hơn, có thể là cơ hội để Việt Nam tiếp nhận các tiến bộ công nghệ cao thông qua quá trình điều chỉnh và áp dụng các sản phẩm nhập khẩu.
Thị trường tài chính, tiền tệ và thị trường tài sản tiếp tục ổn định
Chính sách tiền tệ trong năm 2017 tiếp tục được thực hiện một cách chặt chẽ và linh hoạt. Dự trữ ngoại hối liên tục tăng cao, đạt 51,5 tỷ USD (trên 2,7 tháng nhập khẩu) vào cuối năm 2017 tạo thêm không gian chính sách cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) can thiệp vào thị trường. Bên cạnh đó, lượng kiều hối tăng trưởng ổn định cũng hỗ trợ cho việc ổn định tỷ giá. Nhờ vào đó, NHNN có thêm không gian để tiếp tục duy trì nới lỏng tiền tệ, giảm lãi suất nhằm thúc đẩy kinh tế.
- Trên thị trường ngoại hối: Tỷ giá danh nghĩa được duy trì ổn định xuyên suốt năm 2017. Nhờ vào lạm phát thấp, lượng cung ngoại tệ dồi dào đến từ sự gia tăng của lượng vốn đầu tư cả trực tiếp và gián tiếp từ nước ngoài, cộng với việc đồng USD liên tục mất giá so với các đồng tiền mạnh khác đã giảm đáng kể sức ép đối với tỷ giá VND/USD tại Việt Nam. Do đó, cả tỷ giá tham chiếu và tỷ giá giao dịch tại các NHTM đều biến động không đáng kể trong suốt nửa sau của năm. Tính tới 31/12/2017, tỷ giá trung tâm giữa tiền VND và USD được NHNN công bố ở mức 22.425 VND/USD, tăng 1,2% so với cuối năm 2016.
- Trên thị trường vàng: Trong khi giá vàng thế giới liên tục biến động mạnh, giá vàng trong nước vẫn luôn ổn định trong suốt cả năm. Mặc dù hai mức giá có xu hướng thu hẹp lại vào quý III/2017, đặc biệt là tiệm cận rất sát nhau trong nửa đầu tháng 9 vào khoảng 36,6 triệu đồng/lượng, nhưng sau đó khi giá vàng thế giới giảm mạnh do chịu sức ép từ đồng USD mạnh lên, khiến giá vàng trong nước và quốc tế lại có sự chênh lệch rõ rệt. Thực tế này tiếp tục cho thấy sự kém liên thông giữa thị trường vàng trong nước và quốc tế.
- Thị trường bất động sản cho thấy diễn biến trái ngược tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Trong khi thị trường bất động sản Hà Nội tương đối trầm lắng thì thị trường TP. Hồ Chí Minh lại diễn biến hết sức sôi động, tăng mạnh cả về lượng mở bán và giao dịch thành công. Trên cả hai thị trường, các giao dịch vẫn chủ yếu diễn ra ở phân khúc trung cấp và bình dân. 
Triển vọng kinh tế 2018: Thách thức đến từ những vấn đề nội tại
2017 có thể nói là một năm thành công của kinh tế Viêt Nam khi là năm đầu tiên sau nhiều năm hoàn thành và hoàn thành vượt mức cả 13/13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội do Quốc hội đề ra. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định cùng với những cải cách thể chế nhằm cải thiện môi trường đầu tư được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt kỳ vọng sẽ phát huy hiệu quả, hỗ trợ tích cực hơn cho hoạt động kinh doanh trong năm 2018. Đặc biệt, việc tổ chức thành công sự kiện APEC cũng như đạt được thỏa thuận Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới khi niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài liên tục được củng cố. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề nội tại cố hữu của nền kinh tế chưa được giải quyết triệt để, cần đặc biệt lưu ý gồm:
Thứ nhất, động lực tăng trưởng kinh tế vẫn chưa đến từ việc tăng năng suất lao động. Bên cạnh đó, lợi thế về lao động giá rẻ sẽ ngày càng mất đi do tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Trong bối cảnh tài nguyên ngày càng cạn kiệt, sản xuất của ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục suy giảm, công nghiệp chế tạo chưa tạo ra được những đột phá mới, nông nghiệp vẫn đứng trước nhiều rủi ro lớn do tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu, áp lực tăng trưởng cho năm 2018 thực sự là một thách thức lớn.
Thứ hai, thâm hụt ngân sách và nợ công vẫn tiếp tục là vấn đề được dư luận quan tâm. Trong bối cảnh ngày càng khó tiếp cận được nguồn vốn vay ODA, Việt Nam sẽ cần sử dụng nhiều hơn nguồn nội lực của mình làm động lực cho tăng trưởng.
Thứ ba, việc phụ thuộc nhiều vào kinh tế thế giới và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tạo ra nhiều bất trắc tiềm ẩn cho nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2018 có thể đối mặt với nhiều rủi ro bất định lớn liên quan đến địa chính trị, xu hướng bảo hộ và sự thay đổi ngày càng nhanh của khoa học công nghệ trên thế giới.   
Tài liệu tham khảo:
1. CEIC (2017), Cơ sở dữ liệu CEIC, truy cập ngày 25/12/2017 tại CEIC Database: https://www.ceicdata.com;
2. Ngân hàng Nhà nước (2017), truy cập ngày 25/12/2017 tại: http://www.sbv.gov.vn/portal/faces/vi/pages/trangchu/tk/;
3. Tổng cục Thống kê (2017), Tình hình kinh tế - xã hội năm 2017;
4. Tổng cục Thống kê (2016), Tình hình kinh tế - xã hội năm 2016;
5. Tổng cục Thống kê (2015), Tình hình kinh tế - xã hội năm 2015;
6. VEPR (2017), Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý III/2017.
Theo TS. NGUYỄN ĐỨC THÀNH, THS. VŨ MINH LONG - VIỆN NGHIÊN CỨU KINH TẾ VÀ CHÍNH SÁCH, ĐẠI HỌC KINH TẾ (ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LỊCH NGHỈ GIỖ TỔ, 30/4 VÀ 1/5 TẠI TÂN CẢNG SÀI GÒN

Hope you all have a nice holiday with your family and beloved ones!