9/2/18

NĂM 2017 NHIỀU CẢM XÚC CỦA LOGISTICS VIỆT NAM


Quyết định 200 đã “mở hàng” một cách tích cực cho năm 2017 của ngành logistics Việt Nam. Ảnh: HUỲNH CÔNG BÁ
(TBKTSG) - Năm 2016 phủ một gam màu xám cho logistics Việt Nam khi báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) về hoạt động logistics trên toàn thế giới đã đánh tụt hạng Chỉ số hoạt động logistics (LPI) của Việt Nam khá sâu - giảm tới 16 bậc (từ hạng 48 xuống 64 trên tổng số 160 nền kinh tế được xếp hạng), đồng thời 5/6 điểm thành phần đều giảm.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, đã bình luận rằng sự tụt hạng này cho thấy các nền kinh tế khác đang có sự thăng tiến nhanh hơn nhiều so với Việt Nam và Việt Nam đang mất đi lợi thế cạnh tranh.
Mặc dù trong một số bảng xếp hạng quan trọng khác, ví dụ trong Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới, thứ hạng của Việt Nam có chiều hướng cải thiện qua các năm, nhưng với việc LPI sụt giảm, chúng ta có thể hiểu đơn giản rằng hiệu quả của hoạt động vận tải, kho bãi, phân phối hàng hóa tại Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại, trong lúc các nền kinh tế khác có sự cải thiện tốt hơn, đúng như quan điểm của WB.
Chính sách không còn chỉ ở trên bàn giấy
LPI của Việt Nam giảm điểm không phải do chúng ta không quan tâm đến logistics. Thực tế lĩnh vực này đã được quan tâm rộng rãi tại Việt Nam từ thập kỷ trước. Từ năm 2007, chúng ta đã có Nghị định 140/2007/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh logistics. Diễn đàn Logistics Việt Nam, với sự phối hợp tổ chức của Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải và WB lần thứ 5 vừa diễn ra ngày 15-12-2017 ở Hà Nội. Trong lần tổ chức trước đó, vào tháng 11-2016 tại TPHCM, các nhà tổ chức đã công bố Dự thảo Kế hoạch hành động logistics quốc gia, một bước tiến đáng kể trong khâu chính sách cho ngành logistics Việt Nam.
Trên cơ sở của dự thảo này, đến ngày 14-2-2017, Thủ tướng đã ký Quyết định 200/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Đây là một kế hoạch quy mô gồm 60 nhiệm vụ được phân bổ vào sáu nhóm, với sự tham gia thực hiện của các bộ ngành, hiệp hội liên quan, UBND các tỉnh, thành phố, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Nhờ sự hỗ trợ từ Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam (VLA) trong khâu xây dựng dự thảo, kế hoạch được cộng đồng logistics đánh giá là khá toàn diện và chi tiết, sẽ là tiền đề giúp cải thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động logistics Việt Nam trong những năm tới đây.
Có thể nói, Quyết định 200 đã “mở hàng” một cách tích cực cho năm 2017 của ngành logistics Việt Nam. Tháng 5-2017, tại hội thảo trao đổi về những thay đổi trong thương mại, quy định thuế và hải quan tại Hà Nội, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhận định rằng Việt Nam đã có nhiều tiến bộ rõ ràng trong cải cách thủ tục hành chính thuế trong thời gian qua. Bên cạnh đó, trên 90% doanh nghiệp hoàn toàn hài lòng về việc tiếp cận thông tin thủ tục hành chính hải quan qua các kênh thông tin của ngành hải quan. Thuế và hải quan là thành phần quan trọng trong các đánh giá liên quan đến logistics. Sự thuận tiện của doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục này sẽ giúp cho chuỗi cung ứng của doanh nghiệp vận hành suôn sẻ hơn, giảm chi phí.
Với việc Chỉ số hoạt động logistics (LPI) sụt giảm, chúng ta có thể hiểu đơn giản rằng hiệu quả của hoạt động vận tải, kho bãi, phân phối hàng hóa tại Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại, trong lúc các nền kinh tế khác có sự cải thiện tốt hơn.
Tiếp đó, ngày 12-7-2017, Cổng Thông tin thương mại Việt Nam được chính thức vận hành, được kỳ vọng sẽ giúp tăng tính dễ dự báo và minh bạch trong các luật và thủ tục liên quan tới thương mại Việt Nam. Cổng thông tin này cung cấp cho cộng đồng doanh nghiệp thông tin về các quy định pháp lý và quy trình thủ tục cho hoạt động xuất nhập khẩu. Đây là nhiệm vụ số 10 trong Quyết định 200, nhiệm vụ đầu tiên được thực hiện đúng lộ trình.
Tháng cuối năm 2017 là tháng mà các hoạt động liên quan đến logistics tạo được nhiều dấu ấn. Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2017 nói trên, Báo cáo Logistics Việt Nam 2017 được công bố và trang thông tin thương mại điện tử www.logistics.gov.vn chính thức ra mắt. Cũng tại diễn đàn này, Mạng lưới đào tạo logistics Việt Nam tập hợp các trường đại học, đơn vị đào tạo để cùng đẩy mạnh công tác đào tạo về logistics cũng đã bắt đầu thành hình. Cần có thời gian để đánh giá đầy đủ hiệu quả các hoạt động đào tạo và phổ biến thông tin nói trên, nhưng chúng ta đã có thể thấy rằng các hoạt động mang tính phối hợp để nỗ lực đẩy mạnh tính hiệu quả cho ngành logistics đã không chỉ còn nằm trên giấy.
Tiếp đó, ngày 18-12, Hội nghị phát triển Logistics trong lĩnh vực giao thông vận tải khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Diễn đàn Phát triển thị trường quốc tế cho ngành rau, củ, quả và giải pháp phát triển hệ thống logistics phục vụ nông nghiệp, nông thôn đã được tổ chức tại Đồng Tháp với những kết quả tích cực.
Hai nhiệm vụ không kịp về đích
Nhưng bên cạnh những tín hiệu tích cực được ghi nhận ở trên, vẫn còn quá nhiều điều trăn trở đối với việc nâng cao năng lực logistics Việt Nam. Hai nhiệm vụ trong Quyết định 200 đã không kịp về đích trong năm 2017 như kế hoạch.
Đầu tiên là nhiệm vụ về ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định 140/2007/NĐ-CP. Cho đến hiện tại việc này vẫn vấp phải những phản biện, một trong số đó đến từ chính VLA.
Tiếp đến là nhiệm vụ rà soát, sửa đổi chính sách thuế, phí, giá dịch vụ liên quan đến logistics, với kỳ vọng các mức giá sử dụng đường bộ và phí tại cảng được áp dụng theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động logistics. Dù Bộ Giao thông Vận tải đã tích cực làm việc với các chủ đầu tư BOT để giảm giá sử dụng đường bộ tại nhiều trạm trên toàn quốc, kết quả này không thể được xem là thành công. Bởi lẽ, với việc hàng chục trạm thu phí có thể giảm giá, chúng ta thấy rằng các trạm đã thu nhiều hơn mức cần thiết trong một khoảng thời gian nhất định. Sự giảm giá sau đàm phán mang hàm ý sửa sai hơn là thật sự hướng đến hoạt động logistics. Và cho dù việc giảm phí vừa qua tại BOT Cai Lậy có thể được đưa vào để làm đẹp báo cáo, câu chuyện thực tế tại BOT Cai Lậy và nhiều trạm khác cho thấy hoạt động logistics không được tạo thuận lợi: giá dịch vụ qua trạm làm tăng chi phí vận chuyển, ùn tắc giao thông dẫn đến việc hàng hóa vận chuyển trễ kế hoạch, phát sinh chi phí, ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất và có thể cả chất lượng hàng hóa.
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA, kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm minh bạch và giảm chi phí BOT đường bộ. Đây chắc chắn không chỉ là kiến nghị của chỉ VLA.
Phí tại cảng là một câu chuyện còn ít thuận lợi hơn cho hoạt động logistics. Tại thời điểm Quyết định 3863/QĐ-BGTVT ban hành khung giá dịch vụ bốc dỡ container có hiệu lực (1-7-2017), các hãng tàu quốc tế đã đồng loạt tăng phí xếp dỡ hàng tại cảng (THC), mức tăng phổ biến khoảng 20%, có hãng tăng 28%.
Hai nhiệm vụ không kịp về đích trong năm đầu tiên không thể làm cho Quyết định 200 mất đi ý nghĩa hay ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện các nhiệm vụ khác. Ngược lại, có thể xem đây như cơ hội để hoàn thiện hơn Quyết định 200. Hai nhiệm vụ nói trên liên quan đến những vấn đề phức tạp và phải đương đầu với việc xử lý hệ lụy từ những chủ trương và chính sách trước đó, vốn không dễ thay đổi chỉ sau một đêm. Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần rà soát, điều chỉnh mức độ khả thi và kết quả kỳ vọng của các nhiệm vụ này và cả các nhóm nhiệm vụ còn lại.
Bên cạnh đó, khâu tổ chức, lựa chọn đơn vị chủ trì về hoạt động logistics cũng còn chưa thống nhất. Điều này rất quan trọng vì thiếu vắng một đầu tàu có thẩm quyền ra quyết định đủ mạnh, hoạt động logistics sẽ vẫn manh mún và không tạo được hiệu quả đồng bộ. Quyết định 200 giao Bộ Công Thương chủ trì triển khai thực hiện kế hoạch hành động, nhưng chính Bộ Công Thương khi trình bày về phối hợp liên ngành đã cho rằng sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý còn lỏng lẻo và kiến nghị thành lập Ủy ban Phối hợp về logistics quốc gia Việt Nam. VLA và WB có sự tương đồng khi tiếp cận vấn đề này khi cùng nhắc đến Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (NTFC), một cơ quan liên ngành với trưởng ban là Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và có cơ quan thường trực đặt tại Bộ Tài chính. Trong khi ông Hiệp đề xuất giao cho NTFC chịu trách nhiệm điều phối hoạt động logistics, đổi tên thành Ủy ban logistics và tạo thuận lợi thương mại thì ông Ousmane Dione khuyến nghị mở rộng phạm vi của NTFC sang phát triển lĩnh vực logistics.
Quyết định 200 cũng đề ra nhiệm vụ 51 là nghiên cứu thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về logistics. Trong bối cảnh tinh giản bộ máy, biên chế đang là đề tài nóng bỏng, đề xuất của VLA và WB có lẽ là lựa chọn phù hợp hơn cả.
Theo Đặng Dương
(Thời báo Kinh tế Sài Gòn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LỊCH NGHỈ GIỖ TỔ, 30/4 VÀ 1/5 TẠI TÂN CẢNG SÀI GÒN

Hope you all have a nice holiday with your family and beloved ones!